'Cú lừa' chấn động cõi mạng Trung Quốc
Nhiều tuần liền, cư dân mạng bị cuốn vào câu chuyện cảm động khi một KOL truy tìm chủ nhân cuốn SGK cấp 1 bị thất lạc. Nhưng hóa ra, tất cả chỉ là tấn trò hề để câu view.
Sixth Tone gọi đây là “cú lừa” lớn nhất và kỳ lạ nhất của cõi mạng Trung Quốc suốt nhiều năm qua.
Câu chuyện bắt đầu khi một một người nổi tiếng cố gắng tìm cách trả lại 2 cuốn SGK bị thất lạc mà mình đã tìm thấy trong một nhà hàng ở Paris. Nhiều tuần liền, người dân trên cả nước đã tham gia vào công cuộc tìm kiếm.
Các bài đăng về cuốn sách đã thu hút hàng triệu lượt thích. Các giả thuyết về danh tính của học sinh ngày lan truyền khắp nơi. Ngay cả công an địa phương cũng vào cuộc.
Mãi cho đến ngày 12/4, sự thật mới bị bung bét: Hóa ra, KOL này đã bịa đặt toàn bộ câu chuyện.
Tấn lừa quy mô lớn do một tay KOL dựng nên
Cô và ekip đã dựng lên hành trình những quyển sách bị thất lạc bằng cách đưa chúng đến Paris. Sau đó, họ giả vờ vô tình phát hiện ra. Toàn bộ câu chuyện là một “cú lừa” hòng câu view. Kết quả là công chúng phẫn nộ, tài khoản của người này bị khóa. Chính cô cũng phải đối mặt với các án phạt thích đáng.
Vụ việc đã dấy lên cuộc thảo luận về một vấn đề rộng hơn khi không ít những người có sức ảnh hưởng bịa ra những câu chuyện thương tâm để thu hút sự tương tác. Đây là một vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc, đến từ hệ quả của cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các công ty truyền thông nổi tiếng.
Nhân vật chính của trò lừa này là Xu Jiayi, được biết đến với biệt danh Thurman. Cô gái 29 tuổi học tập và làm việc trong ngành thời trang ở Pháp 10 năm, sau đó trở về Trung Quốc vào năm 2022.
Sau khi trở về nhà, Xu mở một tiệm quần áo và ký hợp đồng với một công ty quản lý người nổi tiếng tỉnh Quảng Đông. Với tính cách sôi nổi và khiếu hài hước sắc sảo, Xu nhanh chóng vụt sáng ngôi sao lớn trên mạng xã hội Trung Quốc, thu hút 40 triệu người theo dõi trên nhiều kênh khác nhau.
Trong kỳ nghỉ Tết đầu năm, Xu đã khởi động màn kịch quy mô lớn nhất và cũng có thể là cuối cùng của mình. Ngày 16/2, cô đã đăng một video chia sẻ về sự cố xảy ra trong chuyến công tác tới Pháp.
Trong video, một người phục vụ người Pháp đến gần Xu và đưa cho Xu 2 cuốn sách tiếng Trung. Người này giải thích rằng anh đã tìm thấy trong nhà vệ sinh và hỏi liệu Xu có thể giúp anh trả lại cho chủ nhân hay không.
Ngay lập tức, Xu kêu gọi sự giúp đỡ từ 40 triệu người theo dõi. Cô nói rằng những cuốn sách này có vẻ là của một học sinh tiểu học và bên trong toàn là bài tập về nhà. “Qin Lang học sinh lớp 1, bài tập kỳ nghỉ đông của cậu bé đã bị bỏ quên trong một nhà vệ sinh ở Paris”, Xu nói trước ống kính.
40 triệu người bị cuốn theo vì cốt truyện hấp dẫn
Bài đăng nhanh chóng nổi tiếng và lan truyền rộng rãi, nhận được hơn 5 triệu lượt thích trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, chỉ sau vài ngày. Nó cũng trở thành chủ đề đứng top 3 trên Xiaohongshu trong kỳ nghỉ đầu năm.
“Bản thân cốt truyện đã khá hấp dẫn. Mà nó còn xảy ra vào dịp lễ đầu năm và liên quan đến việc đi du lịch nước ngoài, nên câu chuyện đã chiếm nhiều từ khóa và nhanh chóng trở thành chủ đề thịnh hành”, Zhao Zhichao, đội trưởng đội cảnh sát mạng tại Văn phòng Công an quận Tây Hồ ở phía đông thành phố Hàng Châu, nói với đài CCTV.
Cư dân mạng khắp Trung Quốc bắt đầu săn lùng cậu bé Qin Lang. Một người dùng Douyin đã bình luận tự xưng là chú của cậu và khẳng định cậu bé đang theo học tại trường tiểu học Xichang. Bài đăng nhận được hơn 220.000 lượt thích.
Tuy nhiên, khi một số phương tiện truyền thông Trung Quốc điều tra các thông tin này, họ không thể tìm thấy một ngôi trường tên là Xichang có học sinh lớp 1 tên là Qin Lang.
Sau đó, người dùng tự xưng là ông chú đã bị khóa tài khoản Douyin do vi phạm nguyên tắc cộng đồng.
Nói dối một và lần và phải dùng nhiều lời nói dối khác để che đậy
KOL Xu Jiayi đã cố gắng kết thúc câu chuyện bằng cách đăng một video khác vào ngày 19/2, nói rằng cô đã tìm thấy mẹ của Qin. Nhưng thời gian trôi qua, những nghi ngờ xoay quanh danh tính của cậu bé Qin ngày càng tăng.
Văn phòng Công an quận Tây Hồ ở Hàng Châu đã nhận được rất nhiều thông tin về câu chuyện, nên đã quyết định nhờ đơn vị cảnh sát mạng điều tra. Sau khi xem xét giấy tờ ghi chép xuất ngoại, cảnh sát không tìm thấy bất cứ hồ sơ nào về một học sinh tên Qin Lang bay ra nước ngoài trong dịp Tết Nguyên Đán.
Điều tra sâu hơn, họ mới vỡ lẽ ra sự thật: Xu và đồng nghiệp tên Xue (30 tuổi) đã cùng nhau lên kế hoạch và thực hiện trò lừa bịp, làm giả cuốn sách bị bỏ quên, viết kịch bản cho video rồi quay chụp, đăng trên mạng xã hội. Khi các cảnh sát ở Hàng Châu đến làm việc với Xu, mọi chuyện mới bắt đầu bung bét.
“Bạn nói một lời nói dối, rồi dùng nhiều lời nói dối khác che đậy dấu vết của mình… Nhưng trên thực tế, bạn thực sự chỉ đang chồng chất sai lầm vào sai lầm đầu tiên đó. Cô ấy thừa nhận điều đó trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, thừa nhận rằng sự quan tâm vượt qua tưởng tượng cô ấy”, Xuan Jing thuộc đội cảnh sát mạng quận Tây Hồ, nói với CCTV.
Vào ngày 12/4, Xu đã công khai xin lỗi người hâm mộ trong một video. Nhưng lời thú nhận vẫn không thể xoa dịu được sự tức giận của công chúng, khiến nhiều người dùng đặc biệt khó chịu khi cô liên tục lừa dối họ.
“Cô không nên cố tình bịa đặt và thao túng cảm xúc của mọi người chỉ để gây sự chú ý” là một trong những bình luận nhận được nhiều lượt thích nhất bên dưới lời thú nhận của Xu trên Weibo.
Cơ quan công an ở Hàng Châu thông báo rằng Xu và công ty quản lý của cô sẽ phải đối mặt với các mức phạt hành chính vì gây rối trật tự công cộng. Các tài khoản của Xu trên Douyin, Weibo và WeChat Video đều đã bị khóa.
Cũng trong ngày hôm đó, Bộ Công an đã đưa trường hợp của Xu vào danh sách 10 ví dụ nổi bật về thông tin sai lệch. Những trường hợp sai phạm khác bao gồm báo cáo sai sự thật về mẹ chồng bị ngược đãi, hàng cứu trợ thiên tai bị bán lại và ngân hàng phá sản.